1. Thế chấp tài sản là gì?
Định nghĩa:
Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015, thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho nhận thế chấp. Tài sản này do bên thế chấp giữ hoặc các bên thỏa thuận giao cho người thứ ba quản lý.
2. Quyền sử dụng đất và Tài sản gắn liền với đất
2.1. Khái niệm Quyền sử dụng đất
Theo Điều 4 Luật Đất đai năm 2024, quyền sử dụng đất là quyền của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức đối với thửa đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển giao thông qua việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho từ những chủ thể khác có quyền sử dụng đất.
2.2. Khái niệm Tài sản gắn liền với đất
Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, tài sản gắn liền với đất là những tài sản vật chất có tính liên kết chặt chẽ với thửa đất, không thể di chuyển, không thể tách rời một cách dễ dàng khỏi thửa đất, bao gồm:
•Nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở;
•Nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở;
•Công trình xây dựng khác;
•Cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng;
•Vật khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
3. Chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất có được không?
3.1. Cơ sở pháp lý:
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, việc dùng tài sản gắn liền với đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể không đồng thời với quyền sử dụng đất.
Đồng thời, căn cứ Luật Đất đai năm 2024, cá nhân, tổ chức được quyền thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định cụ thể về phương thức xử lý tài sản thế chấp khi bên thế chấp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất.
3.2. Như vậy:
Do đó, cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không cần thiết phải thế chấp cả quyền sử dụng đất.
4. Đăng ký biện pháp bảo đảm khi thế chấp tài sản gắn liền với đất
Căn cứ Nghị định 99/2022/NĐ-CP, việc đăng ký biện pháp bảo đảm khi thế chấp tài sản gắn liền với đất có thể thực hiện đối với các tài sản sau:
•Nhà ở và/hoặc tài sản khác gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận;
•Tài sản gắn liền với đất (không phải nhà ở) mà pháp luật không quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được đăng ký quyền sở hữu theo yêu cầu;
•Cây hằng năm theo quy định của Luật Trồng trọt, công trình tạm theo quy định của Luật Xây dựng.
5. Xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất
5.1. Phương thức thức xử lý tài sản thế chấp
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, bên nhận thế chấp có thể xử lý tài sản thể chấp bằng các phương thức sau:
•Bán đấu giá tài sản;
•Tự bán tài sản;
•Nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp;
•Phương thức khác.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản được bán đấu giá.
5.2. Xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất
Theo quy định tại khoản 1 Điều 326 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu các bên không có thỏa thuận khác, bên nhận thế chấp có quyền xử lý cả tài sản gắn liền với đất và quyền sử dụng đất của bên thế chấp.
5.3. Xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất
Trong thực tế, vẫn có nhiều trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất cho chủ thể khác xây dựng và tạo lập tài sản (nhà ở, công trình,…) trên đất thuộc quyền sử dụng của mình. Lúc này, tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của chủ thể xây dựng, còn quyền sử dụng đất vẫn thuộc sở hữu của chủ thể có quyền sử dụng đất. Do đó, bên nhận thế chấp chỉ được quyền xử lý tài sản gắn liền với đất mà không được xử lý quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 326 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên nhận chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp này được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của chủ thể sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
6. Rủi ro trong xử lý tài sản khi chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất
Thứ nhất, các bên có thể gặp khó khăn trong việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật do thiếu tính đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt là trong trường hợp tài sản gắn liền với đất chưa được đăng ký quyền sở hữu.
Thứ hai, bên nhận thế chấp và/hoặc bên nhận chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại với bên có quyền sử dụng đất.
6.1. Trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất
Trường hợp các bên có thỏa thuận bên nhận thế chấp chỉ được quyền xử lý tài sản gắn liền với đất thì bên nhận thế chấp có thể sẽ gặp khó khăn trong việc bán, chuyển nhượng tài sản do không có quyền sử dụng đất; bên nhận chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất phải thuê lại đất hoặc xin nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ bên thế chấp.
6.2. Trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất
Trường hợp này việc xử lý tài sản thế chấp có thể sẽ gặp khó khăn do có hạn chế về quyền tiếp tục sử dụng đất của bên nhận chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu bên sử dụng đất thu hồi mặt bằng làm mất giá trị khai thác của tài sản.
Như vậy, cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc thế chấp này có thể gây ra những vấn đề phức tạp và rủi ro trong việc xử lý tài sản thế chấp. Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, khả thi cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể trong giao dịch dân sự nói chung và giao dịch thế chấp nói riêng thì cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng dẫn cụ thể hơn trong việc đăng ký giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản thế chấp trong những trường hợp đặc thù. Đồng thời, các chủ thể tham gia giao dịch thế chấp cần hiểu rõ quy định pháp luật và thực hiện đầy đủ thủ tục để tránh rủi ro pháp lý phát sinh.
Thông tin liên hệ
CÔNG TY LUẬT TNHH DL PINNACLE
Địa chỉ: Tầng 3, 18A/76 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0914.491.911
Email: info@dlpinnacle.vn
Website: https://www.dlpinnacle.vn