Mục lục bài viết
- 1. Tài sản trí tuệ trong lĩnh vực CNTT là gì?
- 2. Hình thức bảo hộ tài sản trí tuệ trong lĩnh vực CNTT
- 3. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các tài sản CNTT
- 4. Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
- 5. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT
1. Tài sản trí tuệ trong lĩnh vực CNTT là gì?
1.1. Định nghĩa
Có thể hiểu tài sản trí tuệ trong lĩnh vực CNTT là các sản phẩm công nghệ thông tin của con người được hình thành và sử dụng trong quá trình phát triển, vận hành và ứng dụng CNTT.
1.2. Phân loại
Theo Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và Nghị định số 71/2007/NĐ-CP, sản phẩm CNTT bao gồm:
1.2.1. Sản phẩm phần cứng
Sản phẩm phần cứng bao gồm các nhóm sản phẩm sau:
- Máy tính, thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi;
- Điện tử nghe nhìn;
- Điện tử gia dụng;
- Điện tử chuyên dùng;
- Thông tin - viễn thông, thiết bị đa phương tiện;
- Phụ tùng, linh kiện điện tử;
- Các sản phẩm phần cứng khác.
1.2.2. Sản phẩm phần mềm
Sản phẩm phần mềm là phần mềm và tài liệu kèm theo được sản xuất và được thể hiện hay lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác khai thác, sử dụng.
1.2.3. Sản phẩm nội dung thông tin số
Sản phẩm nội dung thông tin số là sản phẩm nội dung, thông tin bao gồm văn bản, dữ liệu, hình ảnh, âm thanh được thể hiện dưới dạng số, được lưu giữ, truyền đưa trên môi trường mạng.
2. Hình thức bảo hộ tài sản trí tuệ trong lĩnh vực CNTT
2.1. Sản phẩm phần cứng
Sản phẩm phần cứng thường được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng sáng chế và sẽ được cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
2.1.1. Bằng độc quyền sáng chế
Theo khoản 1 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sản phẩm phần cứng được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có tính mới;
- Có trình độ sáng tạo;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
2.1.2. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích
Theo khoản 2 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sản phẩm phần cứng được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có tính mới;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
2.2. Sản phẩm phần mềm
Sản phẩm phần mềm thường được đăng ký bảo hộ dưới dạng một chương trình máy tính hoặc bí mật kinh doanh.
2.2.1. Chương trình máy tính
Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học (đối tượng quyền tác giả).
Sản phẩm phần mềm được bảo hộ dưới dạng chương trình máy tính được bảo hộ quyền tác giả với điều kiện:
- Đã được định hình dưới một hình thức vật chất cụ thể;
- Được trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ mà không sao chép từ tác phẩm của người khác;
- Được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào/được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác.
2.2.2. Bí mật kinh doanh
Theo Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sản phẩm phần mềm được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
- Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ lợi thế hơn so với người không nắm giữ/không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
2.3. Sản phẩm nội dung thông tin số
Nội dung thông tin số có tính chất đa dạng và phong phú, vì vậy, có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau như: tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hay tên miền,… tùy theo bản chất của từng sản phẩm cụ thể.
3. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các tài sản CNTT
3.1. Xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp
- Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
- Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.
3.2. Xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm
- Làm tác phẩm phái sinh mà không được tác giả, chủ sở hữu cho phép;
- Sao chép tác phẩm mà không được tác giả, chủ sở hữu cho phép;
- Công bố, phân phối tác phẩm mà không được tác giả cho phép;
- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu, không trả quyền lợi vật chất theo quy định của pháp luật;
- Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu;
- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu.
3.3. Xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh
- Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp;
- Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu;
- Vi phạm hợp đồng bảo mật/lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;
- Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh/lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;
- Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết/có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi nêu trên;
- Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật theo quy định.
3.4. Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Sử dụng dấu hiệu trùng/tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng/tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
4. Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các tài sản CNTT
Căn cứ Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được hướng dẫn bởi Điều 57 Nghị định 17/2023/NĐ-CP), tuỳ theo tính chất và mức độ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các tài sản CNTT có thể bị xử lý bằng các biện pháp sau:
4.1. Biện pháp dân sự
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc người vi phạm phải tiêu huỷ/buộc phân phối/đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại các sản phẩm do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tạo nên.
4.2. Biện pháp hành chính
Được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.
4.3. Biện pháp hình sự
Được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 225 và/hoặc tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
5. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT
Các biện pháp:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT có thể áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
- Sử dụng các công nghệ tiên tiến hiện nay như blockchain hay các mật mã điện tử dân sự để ngăn ngừa các sản phẩm CNTT như chương trình máy tính/bí mật kinh doanh của mình bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.
- Yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định tiến hành xem xét, xử phạt và áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT của các chủ thể xâm phạm.
- Khởi kiện ra Tòa án dân sự hoặc Trọng tài thương mại để tiến hành yêu cầu bên xâm phạm bồi thường thiệt hại, đính chính công khai.
Bảo hộ tài sản trí tuệ trong lĩnh vực CNTT là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, vì đây thường là hành vi vi phạm liên quan đến công nghệ cao, những người vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu có trình độ chuyên môn rất cao và rất khó để đối phó. Vì vậy, cho dù được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các tài sản này, chủ sở hữu vẫn nên cẩn thận áp dụng các biện pháp bảo mật bằng công nghệ tiên tiến như blockchain hay các mật mã điện tử để có thể hạn chế và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm, tránh gây những tổn thất nặng.
Thông tin liên hệ
CÔNG TY LUẬT TNHH DL PINNACLE
Địa chỉ: Tầng 3, 18A/76 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0914.491.911
Email: info@dlpinnacle.vn
Website: https://www.dlpinnacle.vn