1. Tạm ngừng kinh doanh là gì?
1.1. Định nghĩa
Căn cứ khoản 1 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, “tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và được ghi nhận trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
1.2. Thời điểm tạm ngừng kinh doanh
Ngày doanh nghiệp chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
2. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh
2.1. Thời hạn thông báo
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Khoản 1 Điều 66 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh phải gửi thông báo bằng văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
2.2. Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh
Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh gồm những giấy tờ sau đây:
•Văn bản Thông báo tạm ngừng kinh doanh;
•Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp về việc tạm ngừng kinh doanh của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần hoặc của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh; hoặc Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty về việc tạm ngừng kinh doanh đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
3. Nghĩa vụ của doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng kinh doanh
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ sau:
•Nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ;
•Tiếp tục thanh toán các khoản nợ;
•Hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động.
4. Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo
4.1. Xử phạt vi phạm hành chính:
Theo Điều 50 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến Cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thông báo về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.
4.2. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
4.2.1. Hậu quả của việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Căn cứ khoản 6 Điều 209 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thì người quản lý công ty có liên quan phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại do việc không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định tại Điều này. Điều này có nghĩa là trong trường hợp Công ty còn có các khoản nợ nhưng lại bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì người quản lý doanh nghiệp phải dùng tài sản cá nhân của mình để thanh toán cho các khoản nợ này.
5. Kết luận.
5.1. Vai trò và trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, việc thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh là một thủ tục bắt buộc, nhằm đảm bảo sự minh bạch và tránh những rủi ro pháp lý về sau. Nếu không thực hiện nghĩa vụ này, người đại diện sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy theo mức độ vi phạm.
5.2. Hậu quả của việc không thông báo tạm ngừng kinh doanh
Hành vi không thực hiện thông báo khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh được xem là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định. Mức độ xử lý có thể bao gồm cả các hình thức xử phạt hành chính, cảnh cáo hoặc các biện pháp nghiêm khắc hơn tùy vào mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Do đó, để tránh những hậu quả pháp lý không đáng có, người đại diện theo pháp luật cần thực hiện đầy đủ và đúng quy trình thông báo khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
5.3. Lưu ý
Người đại diện theo pháp luật khi tiến hành thông báo tạm ngừng kinh doanh cần lưu ý những vấn đề sau:
•Thực hiện thông báo trong khung thời gian quy định nhằm tránh các hình thức xử phạt không cần thiết.
•Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ cần thiết và điền thông tin chính xác, đầy đủ.
•Nếu cần thiết, có thể tư vấn từ các Luật sư DL Pinnacle để đảm bảo quá trình thực hiện đúng và đủ.
5.4. Khuyến nghị
Việc thông báo tới Cơ quan đăng ký kinh doanh khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là một trách nhiệm pháp lý quan trọng của người đại diện theo pháp luật. Không chỉ giúp doanh nghiệp tránh những rủi ro pháp lý, việc tuân thủ này còn góp phần đảm bảo sự minh bạch và ổn định trong môi trường kinh doanh. Do đó, người đại diện cần ý thức được tầm quan trọng của việc thực hiện nghĩa vụ này một cách đúng đắn và đầy đủ.
Thông tin liên hệ
CÔNG TY LUẬT TNHH DL PINNACLE
Địa chỉ: Tầng 3, 18A/76 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0914.491.911
Email: info@dlpinnacle.vn
Website: https://www.dlpinnacle.vn