1. Pháp luật quy định về quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với người đang chấp hành án phạt tù
Người sử dụng đất được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất nếu đáp ứng các điều kiện nhất định tại Điều 45 Luật Đất đai năm 2024, cụ thể:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 12 Luật Đất đai năm 2024);
- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất;
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Như vậy, người đang chấp hành án phạt tù sẽ được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, ở một số trường hợp cụ thể cần phải đảm bảo các điều kiện, thủ tục theo quy định khác.
2. Thực hiện việc chuyển nhượng khi đang bị giam
Căn cứ theo quy định của pháp luật thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Mặc dù người đang chấp hành án phạt tù vẫn có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng vì bị hạn chế về tự do nên họ không thể trực tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục công chứng, chứng thực, đăng ký đất đai... Vì vậy, người đang chấp hành án phạt tù cần ủy quyền cho một người khác thay mặt họ thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan để chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, hợp đồng ủy quyền trên cũng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, người đang chấp hành án phạt tù không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện thủ tục này. Trường hợp này, người đang chấp hành án phạt tù có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện thủ tục công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng năm 2014.
Theo đó, việc lập hợp đồng ủy quyền có công chứng của người đang chấp hành án phạt tù có thể được thực hiện tại cơ sở giam giữ nếu có sự phối hợp của các cơ quan chức năng và tuân thủ quy định pháp luật về công chứng.
3. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất
3.1. Công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Các bên sẽ tiến hành xác lập và công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024, trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
3.2. Đăng ký biến động
Sau khi công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các bên thực hiện việc đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có biến động theo quy định tại khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai năm 2024.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, người chấp hành án phạt tù dù bị tước một số quyền cơ bản của công dân nhưng vẫn được cho phép tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự. Do đó, đối với trường hợp cá nhân đang chấp hành án phạt tù muốn chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất thì vẫn có thể được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật.
Công ty Luật TNHH DL Pinnacle
Hotline: 0914491911
Email: info@dlpinnacle.vn
Địa chỉ: 18A/76 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đakao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh