1. Nhượng quyền thương mại là gì:
Định nghĩa:
Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định.
Bên nhận quyền sẽ được quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền.
Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
2. Điều kiện để được kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại:
Cơ sở pháp lý:
Căn cứ Điều 5 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP), để hoạt động nhượng quyền thương mại, hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền của bên nhượng quyền phải hoạt động được ít nhất 01 năm.
3. Đăng ký nhượng quyền thương mại:
Căn cứ Điều 291 Luật Thương mại năm 2005 và Điều 17 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài dự kiến nhượng quyền phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền:
Căn cứ tại Điều 17a Nghị định 35/2006/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 120/2011/NĐ-CP), các trường hợp sau không phải đăng ký nhượng quyền mà chỉ cần thực hiện chế độ báo cáo Sở Công Thương:
•Nhượng quyền trong nước;
•Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.
4. Các hình thức nhượng quyền thương mại:
Theo phạm vi lãnh thổ của các đối tượng tham gia vào thương vụ nhượng quyền, hoạt động nhượng quyền thương mại được chia thành 03 hình thức sau đây:
•Hình thức nhượng quyền thương mại trong nước;
•Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài;
•Nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam.
5. Hợp đồng nhượng quyền thương mại:
5.1. Trách nhiệm cung cấp thông tin của bên nhượng quyền:
Ít nhất là 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền có trách nhiệm cung cấp cho bên dự kiến nhận quyền các thông tin sau:
•Bản sao hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu;
•Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại.
Lưu ý: Trường hợp quyền thương mại là quyền thương mại chung:
Ngoài các nội dung trên, bên nhượng quyền thứ cấp còn phải cung cấp cho bên dự kiến nhận quyền các nội dung sau đây:
•Thông tin về bên nhượng quyền đã cấp quyền thương mại cho mình;
•Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại chung;
•Cách xử lý các hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp trong trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại chung.
5.2. Nội dung Hợp đồng nhượng quyền thương mại:
Pháp luật Việt Nam quy định cụ thể những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng nhượng quyền, bao gồm:
•Nội dung nhượng quyền thương mại phải được mô tả cụ thể, bao gồm quyền sở hữu trí tuệ được chuyển giao, bí quyết kinh doanh, và các hỗ trợ kỹ thuật.
•Quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền và bên nhận quyền.
•Điều khoản về phí nhượng quyền ban đầu, phí định kỳ, các khoản phí khác và phương thức thanh toán.
•Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
•Điều kiện gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng.
6. Rủi ro pháp lý trong kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại:
Nếu như nhà đầu tư kinh doanh theo mô hình nhượng quyền không đọc kỹ hợp đồng nhượng quyền và không nhận biết được những rủi ro khi kinh doanh mô hình nhượng quyền thương mại thì họ có khả năng phải đối mặt với những rủi ro sau:
6.1. Rủi ro về vấn đề sở hữu trí tuệ:
Vấn đề sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong nhượng quyền thương mại. Bên nhượng quyền phải đảm bảo quyền hợp pháp đối với thương hiệu, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, sáng chế, giải pháp hữu ích và quyền tác giả,… trước khi chuyển giao cho bên nhận quyền.
Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều trường hợp chủ thương hiệu chưa có đủ điều kiện, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp nhưng đã thực hiện bán nhượng quyền cho người khác.
Ví dụ tiêu biểu nhất là trường hợp của Phở Thìn. Ông Nguyễn Trọng Thìn từng nộp đơn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu Phở Thìn, Phở Thìn 13 Lò Đúc nhưng vẫn trong tình trạng “đang giải quyết”. Ngoài ra, ông Đoàn Hải Trung (được gọi là “truyền nhân” của ông Thìn) cũng từng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn và Phở VieThin 13 Lò Đúc nhưng chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Như vậy, về mặt pháp lý, thương hiệu Phở Thìn vẫn chưa thực sự thuộc về ông Thìn hay ông Trung, và cả hai không ai là có thể bán nhượng quyền thương hiệu này cả.
Trong trường hợp nhận nhượng quyền thương mại từ người không phải là chủ sở hữu hợp pháp của thương hiệu đó, thỏa thuận nhượng quyền thương mại giữa hai bên có khả năng bị vô hiệu do vi phạm về mặt chủ thể: chủ thể không đủ thẩm quyền ký kết thỏa thuận nhượng quyền.
Việc vô hiệu này có thể gây thiệt hại về chi phí đào tạo nhân viên, các giao dịch, thỏa thuận mua bán nguyên liệu F&B, chi phí mặt bằng,... cho bên nhận quyền. Bên cạnh đó, bên nhận quyền còn phải đối mặt với nguy cơ phải bồi thường thiệt hại vì vi phạm hợp đồng với các bên cung cấp nguyên liệu, cho thuê mặt bằng…
6.2. Các rủi ro pháp lý khác:
•Rủi ro về phạm vi lãnh thổ nhận nhượng quyền.
•Rủi ro liên quan đến thời hạn hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, đáo hạn hợp đồng.
•Rủi ro liên quan đến nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, khi xảy ra tranh chấp rất khó để khởi kiện bên nhượng quyền ở nước ngoài. Nếu khởi kiện thì chi phí khởi kiện rất tốn kém và có thể không thể thi hành được.
Kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại mang lại nhiều cơ hội để tận dụng thương hiệu, mô hình vận hành hiệu quả và sự hỗ trợ chuyên môn từ bên nhượng quyền. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít rủi ro pháp lý tiềm ẩn, đặc biệt nếu bên nhận quyền không hiểu rõ các điều kiện pháp lý, quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng, cũng như tính hợp pháp của thương hiệu được chuyển giao.
Do đó, khi thương nhân Việt Nam muốn nhận nhượng quyền thương hiệu cần nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ nhượng quyền, tìm hiểu rõ thông tin thương hiệu nhượng quyền đã được công nhận là thương hiệu đủ điều kiện để được nhượng quyền hay chưa để tránh gặp phải những rủi ro pháp lý không đáng có.
Thông tin liên hệ
CÔNG TY LUẬT TNHH DL PINNACLE
Địa chỉ: Tầng 3, 18A/76 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0914.491.911
Email: info@dlpinnacle.vn
Website: https://www.dlpinnacle.vn